QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ KHÁNG CHIÊN BẢO VỆ ĐỘC LẬP, CHỦ QUYỀN VÀ KIẾN THIẾT, XÂY DỰNG VÙNG TÂY BẮC

Tóm tắt: Trong di sản Tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi vùng, miền đều, trong đó có các tỉnh và đồng bào thuộc vùng Tây Bắc là một phần không thể tách rời và nằm trong một thể thống nhất của lãnh thổ - quốc gia – dân tộc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người luôn dành tình cảm, trí tuệ, khát vọng độc lập- tự do – hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đánh giá cao vai trò, sự đóng góp to lớn của cán bộ, nhân dân, đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Bài viết dưới đây nhằm mục đích khảo cứu và làm sáng tỏ những quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề phát triển toàn diện vùng Tây Bắc và ý nghĩa của quan điểm trong định hướng phát triển tiềm lực vùng trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI.

            Từ khoá: Tư tưởng Hồ Chí Minh; vùng Tây Bắc; phát triển vùng; tiềm lực vùng;

1. Đặt vấn đề

            Vùng Tây Bắc giữ một vị trí trọng yếu trên bản đồ Việt Nam, là mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên, giàu bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc. Đây cũng là nơi hội tụ những chiến công vang dội của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong quá trình chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi, Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn gắn bó, quan tâm và đưa ra những quan điểm, chủ trương về vấn đề phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng. Nhờ có những quan điểm sáng suốt đó, nhân dân Tây Bắc không những góp công sức to lớn đánh bại những thế lực ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền biên cương mà còn chuẩn bị được những điều kiện cần thiết cho sự phát triển vùng sau khi nước nhà độc lập, thống nhất.

             Việc nghiên cứu những quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh đối với phát triển vùng Tây Bắc là vấn đề có ý nghĩa khoa học và mang tính thời sự, vừa cung cấp những cứ liệu khoa học làm sáng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc và ngược lại, mà còn là cơ sở để Đảng và Nhà nước ta hoạch định những chính sách phát triển phù hợp với lịch sử, đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá vùng Tây Bắc.

            2. Nội dung nghiên cứu

            2.1. Về một vài quan điểm tiếp cận khái niệm vùng Tây Bắc và khảo cứu dấu ấn vùng Tây Bắc trong các bài viết, tác phẩm của chủ tịch Hồ Chí Minh

            Trong quá trình hoạt động cách mạng, bên cạnh khu Việt Bắc với 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn – Lạng Sơn – Hà Giang – Tuyên Quang – Thái Nguyên là nơi chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều thời gian sinh sống, làm việc, hoạt động cách mạng trực tiếp thì vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền và xây dựng, kiến thiết vùng của đồng bào, nhân dân vùng Tây Bắc cũng luôn thu hút sự quan tâm của Người.

Để có thể hình dung được tính toàn diện trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về vùng đất trọng yếu này thì trước hết cần có sự thống nhất khái niệm “vùng Tây Bắc”. Hiện nay, vùng Tây Bắc bao gồm 6 tỉnh là Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Mỗi một ngành nghiên cứu có cách tiếp cận khác nhau về địa lý tự nhiên, kinh tế, văn hoá, dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đặc biệt là từ năm 1953, vùng Tây Bắc được coi như một thể chế hành chính với tên gọi là khu tự trị Tây Bắc. Từ năm 1955 đến năm 1962, vùng Tây Bắc có tên gọi là khu tự trị Thái Mèo (bao gồm Sơn La, Lai Châu và một phần Lào Cai, Yên Bái). Từ năm 1962 đến khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và kéo dài đến năm 1975, vùng Tây Bắc bao gồm ba địa bàn là Sơn La, Lai Châu Nghĩa Lộ, thủ phủ Sơn La…Do đặc điểm lịch sử khi đó nên khảo cứu về Hồ Chí Minh với đồng bào Tây Bắc là nghiên cứu toàn bộ các hoạt động cách mạng cũng như những bài nói, bài viết, lá thư, tác phẩm, lời kêu gọi của Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào nhân dân 6 tỉnh nêu trên song tên gọi trong quá khứ thì có sự thay đổi theo thời gian.

            Dấu ấn vùng Tây Bắc trong các tác phẩm, bài viết của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân các vùng miền, trong đó có nhân dân các tỉnh Tây Bắc vượt qua khó khăn to lớn trong hơn một năm xây dựng, bảo vệ chính quyền, vượt qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, quyền sống của nhân dân và nhân phẩm mỗi con người. Bên cạnh những bài viết gián tiếp đặt cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các tỉnh Tây Bắc trong phạm trù chung với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các vùng, miền trong cả nước, kết quả khảo cứu cũng cho thấy cũng có một số lượng lớn các bài viết Người dành sự quan tâm trực tiếp tới các vấn đề thi đua yêu nước, động viên đồng bào kháng chiến, tăng gia sản xuất, xây dựng kinh tế, văn hoá, giáo dục.

BẢNG THỐNG KẾ CÁC BÀI VIẾT CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ VÙNG TÂY BẮC

TRONG GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1945 - 1969 [1]

Thời gian

Tên bài viết/tác phẩm

17/10/1945

Thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai

3/12/1945

Lời phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam

12/1945

Thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số

19/11/1946

Gửi nhi đồng Xã Ba, Lao Cai

2/1947

Gửi đồng bào thượng du

1/3/1947

Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ

19/12/1947

Thư gửi cán bộ khu I nhân kỉ niệm một năm toàn quốc kháng chiến

19/12/1947

Thư gửi cán bộ khu II nhân kỉ niệm một năm toàn quốc kháng chiến

2/1948

Thư gửi toàn thể bộ đội khu II và khu III

5/1948

Thư gửi phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình

8/1948

Thư gửi nhi đồng Yên Bái

9/1948

Thư gửi linh mục Thuyết và đồng bào xã Hưng Thái, Yên Bái

2/1949

Thư gửi nam nữ học viên Trường y tá Liên khu I

3/1949

Thư gửi Liên đoàn lao động Liên khu I

4/1949

Thư gửi Công đoàn vận tải Sông Thao (Yên Bái)

1950

Thư gửi đồng bào Hoà Bình

1950

Thư gửi chiến sĩ và cán bộ Hoà Bình

1950

Thư gửi toàn thể phụ lão xã Vĩnh Đồng, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình

1951

Tinh thần kháng chiến của đồng bào Trại, Mán

1952

Thư gửi Ban chỉ huy và các chiến sĩ mặt trận Hoà Bình

9/9/1952

Bài nói tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc

10/1952

Thư gửi cán bộ và chiến sĩ chiến dịch Tây Bắc

10/1952

Thư gửi các chiến sĩ và dân công ở mặt trận Tây Bắc

12/1952

Thư gửi bộ đội và dân công ở mặt trận Tây Bắc và đồng bằng

1953

Bài nói tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Tây Bắc

1953

Bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn các cơ quan khu I

1953

Thư gửi quân và dân Tây Bắc

1953

Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu

1953

Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ

1954

Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ

1954

Điện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ

1954

Thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ

1954

Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ

1954

Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ

1954

Mẩu chuyện về Điện Biên Phủ

1955

Điện Biên Phủ

1955

Thư gửi đồng bào Khu Tự trị Thái- Mèo

12/1955

Tổng tuyển cử Pháp và trận Điện Biên Phủ

7/5/1956

Thư gửi đồng bào Khu Tự trị Thái Mèo nhân kỉ niệm một năm thành lập

8/1958

Nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc Lào Cai

9/1958

Nói chuyện với đồng bào tỉnh Lào Cai

10/1958

Nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân tỉnh Hoà Bình

1/1959

Thư gửi công nhân và cán bộmỏ Apatit Lào Cai

7/5/1959

Thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ châu Điện Biên

7/5/1959

Bài nói chuyện tại cuộc mít tinh ở Thuận Châu (Sơn La)

8/5/1959

Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La)

21/6/1959

Điện Biên Phủ

1961

Thư khen tỉnh Hoà Bình, tỉnh miền núi đầu tiên xoá xong nạn mù chữ

10/1961

Nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác hoá nông nghiệp, phát triển sản xuất, kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi.

8/1962

Bài nói chuyện với Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình

8/1962

Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi

1963

Bài nói tại Hội nghị tuyên giáo miền núi

1964

Thư gửi Đại hội hợp tác xã và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du

1965

Thư gửi đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc

1965

Thư khen quân và dân Yên Bái bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 của giặc Mỹ trên miền Bắc

 

            Số liệu thống kê cho thấy, các bài viết thể hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chia thành hai mạch thời gian: Một là, trong giai đoạn tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) với nhiệm vụ kháng chiến, bảo vệ thành quả cách mạng là trọng tâm, đi đôi với bước đầu kêu gọi đồng bào chiến sĩ các tỉnh Tây Bắc tích cực tham gia sản xuất, xây dựng hậu phương kháng chiến tại chỗ, ổn định chính trị, góp phần kiến thiết, gây dựng chế độ dân chủ mới, tạo thành sức mạnh to lớn, đảm bảo thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược diễn ran gay trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc – chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai là các bài viết về vấn đề kiến thiết và bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng Tây Bắc từ năm 1954 đến năm 1965 trong bối cảnh đất nước chia cắt hai miền, chiến trường chính chuyển vào miền Nam, còn miền Bắc bước vào thời kỳ hoà bình, quá độ lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, các bài viết của Hồ Chí Minh trong giai đoạn này chủ yếu tập trung kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, nhân dân các tỉnh Tây Bắc ra sức tập trung vào nhiệm vụ hàn gắn, kiến thiết, ổn định đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, sẵn sàng làm hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam và cũng sẵn sàng chiến đấu khi chiến tranh lan rộng. Riêng từ năm 1966 trở đi đến năm 1969, do sức khoẻ yếu và cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sáng thời kỳ cam go, quyết liệt ở chiến trường miền Trung và miền Nam nên các bài viết của Hồ Chí Minh về vùng Tây Bắc được gián tiếp thể hiện trong phạm trù đồng bào cả nước, đồng bào ba miền Bắc, Trung, Nam.

            2.2. Quan điểm Hồ Chí Minh về xây dựng, kiến thiết và bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng Tây Bắc

            2.2.1. Về vấn đề kháng chiến và bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh vùng Tây Bắc

            Nhận thấy vai trò trọng yếu của đồng bào, chiến sĩ các tỉnh Tây Bắc trong kháng chiến chống ngoại xâm cùng như trong quá trình xây dựng và bảo vệ an ninh, quốc phòng khi chiến tranh kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kêu gọi tất cả các chiến sĩ, cán bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây phải luôn phát huy chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, quân dân các tỉnh chung sức, chung lòng nhằm mục tiêu kháng chiến thắng lợi và mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Trong Lời phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 1945, Hồ Chí Minh luôn khẳng định đoàn kết vừa là nguyên nhân, vừa là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân tộc bao gồm cả các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa” [2]. 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn cảm động, trân trọng sự lòng yêu nước chân thành, kiên trung, sự hi sinh, đóng góp cho kháng chiến cùng như niềm tin tưởng của đồng bào Tây Bắc dành cho Đảng, cho Bác Hồ, cho toàn dân tộc. Do đó Người vừa khẳng định vai trò, vừa luôn kêu gọi bộ đội, chiến sĩ, đồng bào Tây Bắc không phân biệt dân tộc, tuổi tác, giới tính cùng đứng lên kháng chiến chống Pháp, bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Tám, vì nền hoà bình, độc lập, tự do cho cả đất nước. Ngay trong Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Hồ Chí Minh cũng gián tiếp nhắc đến đồng bào Tây Bắc là một phần không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán…đều là con cháu Việt Nam, đều là an hem ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ đề giữ gìn nước non ta, để ủng hộ chính phủ ta…mưu cầu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta” [3]. Người thường xuyên nhắc nhở bộ đội, chiến sĩ phải luôn giữ vững tinh thần, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ đồng bào, phải “quyết tâm chiến đấu, triệt để thi hành mệnh lệnh; bền bỉ dẻo dai vượt qua mọi gian khổ, khắc phục mọi khó khăn; thương dân, trọng dân và tốt với dân; tiêu diệt thật nhiều địch, giành cho được toàn thắng” [4]. Có như vậy, chủ quyền, an ninh của vùng biên cương đất nước mới được đảm bảo vững chắc.

Chính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, khi chiến tranh bước vào giai đoạn cuối đầy khốc liệt do có sự can thiệp của Mỹ, vùng Tây Bắc trở thành điểm hẹn lịch sử cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giữa ta và Pháp. Kết quả, bằng chủ nghĩa yêu nước chân chính, sự đoàn kết hi sinh của tất cả đồng bào, chiến sĩ cả nước và sự đóng góp không mệt mỏi của đồng bào Tây Bắc đã góp phần quan trọng giúp cách mạng Việt Nam vượt qua những thác ghềnh, những khó khăn thử thách nơi núi rừng hiểm trở, tiềm lực địch thì mạnh để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Trong Thư gửi quân và dân Tây Bắc (1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm niềm tin chiến thắng tới đồng bào nơi đây “Kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào, bộ đội và cán bộ ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để cùng đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn quốc đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân” [5]. Chiến thắng của chiến dịch Tây Bắc và đặc biệt thắng lợi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết tinh truyền thống của cả dân tộc trong hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, đồng thời cũng là dấu ấn to lớn khẳng định vai trò của đồng bào, chiến sĩ, nhân dân Tây Bắc.

            2.2.2. Về vấn đề kiến thiết, xây dựng kinh tế, ổn định tình hình chính trị, xã hội cho đồng bào Tây Bắc

Ngay từ khi bắt đầu hành trình cứu nước, Hồ Chí Minh đã ấp ủ một khát vọng vĩ đại “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu” [6]. Sự vĩ đại, lớn lao nhất của Hồ Chí Minh kết tinh trong câu nói rất rõ ràng của Người “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [7]. Do đó, với đồng bào Tây Bắc, Hồ Chí Minh luôn thấu hiểu những khó khăn, gian khổ của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của nhân dân nơi đây. Trong quan điểm của Người, đấu tranh và kháng chiến không chỉ đơn thuần chỉ là giành lấy và bảo vệ độc lập, tự do mà còn phải tập trung vào công cuộc giúp đồng bào, nhân dân Tây Bắc tiếp tục đoàn kết một lòng để ổn định chính trị, xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào, kiến thiết và phát triển kinh tế, đưa khoa học kĩ thuật vào cải thiến sản xuất. Đồng bào và nhân dân Tây Bắc muốn thực hiện được mục tiêu đó, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải giải bài toán con người.

            Về ổn định chính trị và phát huy nhân tố con người, theo quan điểm của Hồ Chí Minh cần phải phát huy vai trò và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của ba nhóm lực lượng: đồng bào Tây Bắc – bộ đội – cán bộ. Đồng bào các tỉnh Tây Bắc chiếm số lượng đông đảo, có tinh thần yêu nước, cách mạng nhưng trình độ dân trí còn thấp, phân chia thành nhiều dân tộc thiểu số khác nhau. Hiểu được đặc điểm đó nên Người căn dặn, động viên đồng bào Tây Bắc “phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, tăng gia sản xuất để mọi người được cơm no áo ấm và phải ra sức tham gia kháng chiến” [8]. Đặc biệt, trong chuyến về thăm và nói chuyện tại cuộc mít tinh ở Thuận Châu (Sơn La), Người đã dành tất cả trí tuệ, tâm huyết trao đổi các quan điểm về xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc anh em ở Tây Bắc. Người căn dặn “Tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc…đều là an hem ruột thịt trong một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa. Cũng như một bó que, đây là đồng vài Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường, từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại có ai bẻ gãy được không…Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này” [9]

            Cũng theo Hồ Chí Minh, để giúp đỡ đồng bào thì cán bộ phải tận tâm, gương mẫu, dù là cán bộ địa phương hay cán bộ từ dưới xuôi lên đều phải biết phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm để “chăm lo đời sống nhân dân, phải giúp dân tổ chức được tổ đổi công, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi” [10]. Cán bộ địa phương phải tích cực và quyết tâm học tập chuyên môn, tích cực làm việc, cống hiến cho đồng bào còn cán bộ ở xuôi lên phải tích cực giúp đỡ cán bộ địa phương và đồng bào cùng phát triển sản xuất, làm gương cho nhân dân. Đối với bộ đội và dân quân thì phải luôn phát huy tinh thần yêu nước, anh dũng để bảo vệ độc lập, quốc phòng, an ninh cho đất nước và đồng bào yên tâm kiến thiết, đóng góp cho cách mạng.

            Để ổn định đời sống chính trị, tăng cường niềm tin của đồng bào Tây Bắc và cũng do xuất phát từ đặc điểm của tình hình nơi đây sau khi kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, Đảng, Chính phủ đã cho thành lập Khu Tự trị Thái- Mèo mà theo Hồ Chí Minh, mục đích chủ yếu là “làm cho các dân tộc an hem dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Khu tự trị Thái – Mèo là một bộ phận khăng khít trong đại gia đình Việt Nam”[11].

            Về kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực lao động, thi đua ái quốc, chống lại sự phá hoại về kinh tế của đế quốc, thực dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp tuỳ theo điều kiện của từng tỉnh, huyện, châu. Trong nông, lâm  nghiệp phải thi đua tăng gia sản xuất, làm cho đồng bào có “áo ấm, cơm no”, phải ứng dụng khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp, bón phân cho cây trồng đúng cách để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng như ở đồng bào miền xuôi, phải thực hiện mô hình hợp tác xã và vận động hợp tác hoá trong nông nghiệp cho đồng bào, phải trồng rừng, vận động đồng bào không chặt phá rừng và đoàn kết để đào các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất và đời sống cho nhân dân. Trong bài Nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân cá dân tộc tỉnh Lào Cai, bên cạnh việc khẳng định đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, Hồ Chí Minh coi tăng gia sản xuất là nhiệm vụ quan trọng thứ hai mà đồng bào Tây Bắc cần phải làm để kiến thiết, xây dựng và phát triển kinh tế. Người căn dặn “Muốn đủ lương thực, cần phải cố gắng tăng gia lúa, ngô, khoai, sắn hơn nữa. Muốn sản xuất được nhiều, phải tổ chức tổ đổi công tốt (không phải tổ chức trên giấy), rồi tiến lên hợp tác xã…phải bồi dưỡng đồng bào rẻo cao định canh, bảo vệ rừng, làm phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kĩ thuật canh tác để sản xuất lương thực cho đủ, cho nhiều” [12].

            Về văn hoá, xã hội, giáo dục, Hồ Chí Minh luôn căn dặn đồng bào phải chú ý “học tập văn hoá, vệ sinh phòng bệnh…luôn tỉnh táo, sẵn sàng giúp đỡ bộ đội và công an chống âm mưu của địch chia rẽ dân tộc và phá hoại đời sống yên vui của bản mường”[13], tích cực giữ trật tự trị an, ổn định đời sống văn hoá tinh thần, xây dựng thuần phong mỹ tục, mở các lớp dạy học, xoá nạn mù chữ, nâng cao dân trí cho đồng bào. Năm 1961, Hồ Chí Minh đã gửi Thư khen tỉnh Hoà Bình, tỉnh miền núi đầu tiên xoá xong nạn mù chữ, đưa ra những con số so sánh về bức tranh giáo dục của nhân dân dưới chế độ thực dân và chế độ dân chủ và động viên, khích lệ đồng bào Tây Bắc “phải cố gắng hơn nữa, đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá…cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” [14]. Đối với y tế, Người chủ trương động viên toàn đồng bào, chiến sĩ ở Tây Bắc tích cực rèn luyện sức khoẻ, giữ gìn vệ sinh chung, đồng thời động viên các bác sĩ, y tá cũng phải tích cực tham gia thi đua ái quốc, đóng góp cho ngành, cho cách mạng. Trong bức Thư gửi nam nữ học viên trường y tá Liên khu I, Người căn dặn “y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh…Vì vậy, y tá là chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khó, chịu khổ. Phải có lòng bác ái, hi sinh” [15].

3. Kết luận

            Đồng chí Phạm Văn Đồng nhận định “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp” [16]. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh hay hoà bình, tình cảm và sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng Tây Bắc đã trở thành hằng số, ẩn sâu trong trái tim vĩ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, tạo thành một mạch nối: Đồng bào Tây Bắc trong trái tim Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh trong trái tim đồng bào Tây Bắc.

Những quan điểm của Người trong thời kỳ kháng chiến đã gợi mở, định hướng cho Đảng và Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa ra những chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, phát triển và phát triển vùng Tây Bắc đặt trong bối cảnh đổi mới và hội nhập hiện nay. Bất luận trong bối cảnh lịch sử có biến thiên như thế nào thì bài học rút ra từ những quan điểm đúng đắn, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển, bảo vệ Tây Bắc vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước: 1- Phát huy và coi đoàn kết các dân tộc thiểu số vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ hàng đầu; 2- Phải chú trọng các chính sách coi trọng, chăm sóc, khuyến khích nguồn lực con người, thực thi chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, bồi dưỡng cán bộ cách mạng; 3- Phát triển đa dạng các ngành kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tỉnh, huyện; 4- Chú trọng phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, ban hành nhiều chính sách quan tâm tới đời sống tín ngưỡng, tinh thần của đồng bào thiểu số; 5- Tăng cường hơn nữa vai trò của Đảng, Nhà nước trong việc củng cố chặt chẽ mối quan hệ với đồng bào, nhân dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Tổng hợp nguồn tư liệu từ Hồ Chí Minh Toàn tập từ tập 4 đến tập 15 của NXB CTQG xuất bản năm 2011.

[2]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, tr.130.

[3]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, tr.249.

[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, Hà Nội, tr.501.

[5]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, NXB CTQG, Hà Nội, tr.336.

[6]. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 1, NXB CTQG, Hà Nội, năm 1993, tr.94.

[7]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, tr.250.

[8]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, NXB CTQG, Hà Nội, tr.336.

[9]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, Hà Nội, tr.211.

[10]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, Hà Nội, tr.211.

[11]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, NXB CTQG, Hà Nội, tr.453.

[12]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, NXB CTQG, Hà Nội, tr.522.

[13]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội, tr.326.

[14]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, NXB CTQG, Hà Nội, tr.8.

[15]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, NXB CTQG, Hà Nội, tr.34.

[16]. Phạm Văn Đồng (1990), Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một hình ảnh, một sự nghiệp, NXB Sự thật, Hà Nội, tr.62-63

 

HO CHI MINH'S STANDPOINTS ON RESISTANCE INDEPENDENT PROTECTION, AUTHORIZATION AND CONSTRUCTION THE NORTHWEST REGION

 

Abtracts: In the heritage of Ho Chi Minh's standpoints, the provinces and people of the Northwest region is an inseparable part and is in a unified form of the territory - the country - Ethnic Vietnam. During the life of revolutionary activities, Ho Chi Minh always devoted the love, intelligence, independent aspirations - freedom - happiness to the people of the NorthWest people, highly appreciated the role of the ministry, people and soldiers here. The following article purpose to study and clarify Ho Chi Minh's views on the issue of comprehensive development in the NorthWest region and the meaning of the viewpoint in the direction of developing regional potentials in the period of continued pushing in the following years of the 21st century.

Keywords: Ho Chi Minh's thoughts; Northwest region; regional development; regional potentials;

                                    (Hội thảo Quốc gia 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc 4.5.2019)

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Thanh Tùng


Source: 
06-05-2019
Tags