Lồng ghép giới vào giáo dục phổ thông

Lồng ghép giới vào giáo dục phổ thông



NDĐT - Ngày 7-12, tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tổ chức tập huấn “Lồng ghép giới vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Được biết, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, luật pháp về bình đẳng giới, đã có một bộ máy quản lý quốc gia về bình đẳng giới. Về cơ bản Việt Nam đã đạt được bình đẳng giới trong việc thực hiện mục tiêu về tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn phân biệt giới trong tuyển dụng, việc làm và đề bạt. Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa đạt được mục tiêu mong đợi. Do vậy, cần đưa nội dung bình đẳng giới lồng ghép trong chương trình các cấp, đề xuất hoặc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới liên quan đến chương trình, sách giáo khoa.

Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), SGK Việt Nam hiện nay còn định kiến giới, như sự xuất hiện của phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp so với nam giới trong các văn bản, hình ảnh, minh họa của SGK. Đây được gọi là hiện tượng “phụ nữ vô hình” và người biên soạn sách giáo khoa có “định kiến vô hình” về giới khi biên soạn sách. “Phụ nữ là thiểu số” còn thể hiện ở sự xuất hiện tác giả nữ và nhân vật nữ trong SGK phổ thông.

Rà soát SGK tiếng Việt lớp 2 và 3, chỉ có 9/61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến trong sách giáo khoa là phụ nữ. Tỷ lệ tác giả nam áp đảo nữ trong các lĩnh vực học tập khác nhau có thể khiến người học tin rằng, giới tính liên quan tới khả năng làm tốt một lĩnh vực nào đó. Ngoài ra, nếu các tác giả sách giáo khoa đa số là nam giới thì kinh nghiệm, kiến thức và tiếng nói của phụ nữ có thể sẽ không được thể hiện trong nội dung của SGK.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, thực hiện bình đẳng giới là vấn đề rất quan trọng và Việt Nam đang thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, ở góc độ chất lượng giáo dục, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, vấn đề bình đẳng giới chưa đạt hiệu quả cao bởi như bậc học mầm non, tiểu học có tới 70% giáo viên là nữ, trong khi đó, cán bộ quản lý là nữ giới chiếm tỷ lệ ít hơn. Thứ trưởng mong muốn, cần phân tích kỹ vấn đề bình đẳng giới; đặc biệt rà soát chương trình, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới; định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, cần đánh giá cả trong quá trình tổ chức thực hiện khi dạy học trên lớp, triển khai trong toàn ngành, phát huy hết tiềm năng mạnh nhất của cả hai giới và tiềm năng mạnh nhất của mỗi cá nhân.

Hiện, Bộ GD&ĐT đang biên soạn chương trình, SGK phổ thông, đây là cơ hội để đưa vấn đề bình đẳng giới vào nhằm khắc phục những khiếm khuyết của chương trình cũ, cụ thể trong SGK. Bộ GD&ĐT nghiên cứu đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo.


 


Source: 
25-12-2015
Tags