40 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ CỦA KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ - GIÁO DỤC CÔNG DÂN (TIỀN THÂN LÀ KHOA GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ)
1. Giai đoạn 1951 - 1976
Trước khi có Quyết định thành lập (ngày 9/11/1976), Khoa Giáo dục chính trị đã có những tổ chức tiền thân được hình thành cùng với sự ra đời, xây dựng và phát triển của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cùng với xu hướng vận động của Quốc gia, dân tộc.
Thời kì 1951 - 1955, lúc này cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, có sự giúp đỡ của đế quốc Mỹ, được đẩy mạnh; lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành mọi mặt, quân dân cả nước nỗ lực và quyết tâm đánh thắng giặc Pháp. Hòa cùng công cuộc cải cách giáo dục (từ năm 1950) thực hiện theo ba phương châm: phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất, gắn nhà trường với đời sống xã hội. Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của việc trang bị lý luận cách mạng, lý tưởng cộng sản, tiếp tục tuyên truyền và giác ngộ lý tưởng cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt cho sinh viên các trường đại học. Triết học – một trong ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác – Lênin đã chính thức được giảng dạy ở các trường dự bị đại học, phân hiệu Khoa học xã hội.
Thời kì này trường đại học Sư phạm Hà Nội (có tên gọi là trường Sư phạm cao cấp và trường Dự bị đại học). Đảm nhận việc giảng dạy môn Triết học nói riêng, các môn học chính trị nói chung là các nhà giáo danh tiếng, các đồng chí trong Ban lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội, như các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Võ Nhuần Nho, Hà Huy Giáp, Nguyễn Mạnh Tường…
Thời kỳ 1956 - 1966, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc đã được giải phóng nhưng miền Nam vẫn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong tình hình đó, với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai miền Bắc - Nam đã đồng thời thực hiện hai nhiemej vụ chiến lược cách mạng khác nhau: miền Bắc thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế - xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam; còn miền Nam tập trung vào cuộc chiến đấu chống chế độ Mỹ - Diệm, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và thống nhất cả nước. Thời kỳ này nền giáo dục Việt Nam được phát triển theo hướng XHCN. Hệ thống giáo dục phổ thông theo chương trình 10 năm đã được khẳng định, giáo dục đại học được chú ý phát triển.
Thời kì này, việc giảng dạy các môn lý luận chính trị tiếp tục được đề cao ở các trường đại học. Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngoài 4 khoa cơ bản, đã quyết định thành lập Tổ Chính trị - một trong những tổ bộ môn trực thuộc Ban giám hiệu. Nhiệm vụ chủ yếu của Tổ Chính trị là giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho sinh viên các Khoa trong toàn trường, làm nòng cốt trong các đợt sinh hoạt tư tưởng, chính trị của nhà trường.
Cán bộ Tổ Chính trị thời gian này là các đồng chí: Nguyễn Danh Hoàn, Đỗ Đức Uyên, Nguyễn Chí Linh, Hồ Văn Điềm, Nguyễn Phú Giàu, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Văn Phú, Phan Thanh Diễn, Nguyễn Khánh Tiến… Với khối lượng công việc rất lớn, số lượng cán bộ ít, một số đồng chí tham gia công tác Đảng ủy, Ban giám hiệu nên việc giảng dạy và học tập chính trị phải tập trung ở hội trường, mỗi lớp 300 đến 400 sinh viên. Hầu hết cán bộ của Tổ Chính trị đã kinh qua công tác đảng, công tác quân đội, đoàn thể và đã tốt nghiệp trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, cùng với lòng yêu nghề, ý thức chính trị và phẩm chất cách mạng cao nên đã vượt qua muôn vàn khó khăn đảm bảo việc giảng dạy chất lượng tốt. Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thực hiện Nghị Quyết của Đảng và Chính phủ, đối phó với hoàn cảnh thực tế, đáp ứng yên cầu cấp thiết của cách mạng, cán bộ, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã sơ tán khỏi Hà Nội, trên 13 địa bàn thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tây và Hưng yên. Các thầy cô tổ Chính trị hàng ngày phải đạp xe, đi bộ từ tỉnh này sang tỉnh khác để tiếp tục công việc giảng dạy các môn lý luận chính trị cho toàn trường ở các vùng sơ tán. Vượt lên gian khổ, khắc nghiệt của thời chiến, thậm chí cả nguy hiểm đến tính mạng, cán bộ giảng viên Tổ Chính trị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội dung, chương trình và tiến độ giảng dạy.
Thời kỳ 1967 - 1976, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Miền Nam chiến đấu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, bên cạnh đó không ngừng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian này, Tổ Chính trị được đổi tên thành Tổ bộ môn Mác - Lênin. Đây là bước chuyển quan trọng trong việc xác định vị trí, vai trò và nhiệm vụ của các môn khoa học Mác – Lênin ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết về đội ngũ, nội dung chương trình cho sự ra đời của khoa Giáo dục chính trị sau này.
Đây cũng là thời kì rất khó khăn cho Tổ bộ môn Mác - Lênin, đội ngũ giảng viên ít, số lớp học đông do trường Đại học Sư phạm Hà Nội lúc này chia tách thành 3 trường đại học: đại học Sư phạm I, đại học Sư phạm 2, đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Mặc dù vậy, với tầm nhìn chiến lược của Ban lãnh đạo trường, ban lãnh đạo của bộ môn, cùng với sự nỗ lực vượt khó không ngừng của các giảng viên trong tổ bộ môn nên những khó khăn của bộ môn đã sớm được khắc phục bằng cách giữ lại các sinh viên giỏi tốt nghiệp ở các khoa cơ bản như Toán, Vật Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, đưa về Tổ bộ môn Mác - Lênin, sau đó được gửi đi đào tạo đúng chuyên ngành về khoa học Mác - Lênin ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Trường Tuyên giáo TW, trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu V. Với giải pháp hiệu quả đó, Tổ bộ môn Mác - Lênin của cả ba trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và luôn sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
2. Khoa Giáo dục Chính trị (1976 - 2011)
Sau năm 1975, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhân dân cả nước hồ hởi, nô nức bước vào công cuộc xây dựng xã hội mới. Trong đó, ngành giáo dục - đào tạo được coi là ngành trọng điểm của cả nước. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vừa có “đức” vừa có “tài”, vừa “hồng” vừa “chuyên” là một trong những nhiệm vụ cấp bách của đất nước trong công cuộc xây dựng và đổi mới thời kỳ này. Đặc biệt, trọng trách này, nhiệm vụ to lớn này được trao cho hệ thống các trường sư phạm trên cả nước, mà đầu tàu là trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Công cuộc cải cách giáo dục, cải cách sư phạm được đặt ra cấp thiết. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung học sư phạm được hình thành nhanh chóng trên cả nước. Để thực hiện sứ mệnh của mình, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần kiến toàn đầy đủ về bộ máy tổ chức và hệ thống các khoa với một mô hình đào tạo mới và toàn diên: có đầy đủ các khoa sư phạm tự nhiên, các khoa sư phạm xã hội, trong đó đặc biệt là có khoa chuyên đào tạo giáo viên chính trị cho các trường cấp III trong cả nước, đồng thời góp phần đào tạo đội ngũ giảng viên Mác - Lênin cho các trường cao đẳng và đại học trên cả nước.
Ngày 9/11/1976, Bộ Giáo dục đã có Quyết định số 2332/QĐ thành lập khoa Giáo dục Chính trị ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội I.
Từ đây, bộ môn khoa học Mác - Lênin không chỉ được giảng dạy cho sinh viên các khoa cơ bản trong toàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà còn được giảng dạy chuyên sâu cho sinh viên thuộc chuyên ngành Giáo dục chính trị. Nhờ đó, vị thế và tầm quan trọng của chuyên ngành khoa học Mác - Lênin đã được nâng lên tầm cao mới, sánh vai cùng các khoa khác trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau khi trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sáp nhập lại thành trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì hai bộ môn Mác - Lênin của hai trường cũng sáp nhập trở thành khoa Giáo dục Chính trị với tổng số 45 thành viên, được biên chế thành 4 tổ bộ môn của khoa Giáo dục Chính trị: Tổ Triết, Tổ Kinh tế Chính trị, Tổ Chủ nghĩa xã hội khoa học và Tổ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, khoa Giáo dục Chính trị đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng đạo tạo, về đội ngũ cũng như về quy mô đào tạo.
Thời kỳ 1976 - 1988, đào tạo theo niên chế
Đây là thời kỳ khoa Giáo dục Chính trị xác định và từng bước hoàn chỉnh về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, phương thức đào tạo, đối tượng đào tạo, đội ngũ cán bộ và cơ cấu tổ chức.
Về mục tiêu đào tạo: Sau 4 năm đào tạo chính quy, sinh viên tốt nghiệp Khoa GDCT sẽ trở thành giáo viên dạy chính trị và làm công tác chính trị ở trường cấp III. Những sinh viên khá giỏi có thể được bồi dưỡng để trở thành giảng viên giảng dạy Khoa học Mác - Lênin ở các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm hoặc công tác trong các cơ quan chính trị xã hội.
Về nội dung, chương trình và phương thức đào tạo: Do là khoa đầu tiên đào tạo giáo viên chính trị trong hệ thống các trường sư phạm trong cả nước nên chưa có một hình mẫu có sẵn nào. Khoa đã phải tập trung một nguồn lực lớn cho vấn đề xây dựng nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, kế hoạch đào tạo bằng cách cử một số cán bộ có năng lực tìm hiểu các chương trình đào tạo của các trường Chính trị - Bộ Giáo dục, trường Nguyễn Ái Quốc phân hiệu V và cách làm chương trình của các khoa trong trường đại học Sư phạm Hà Nội. Thời gian này Khoa thực hiện phương thức đào tạo theo niên chế 4 năm.
Về đội tượng đào tạo: đối tượng của những khoá học đầu tiên của khoa hầu hết là bộ đội phục viên, xuất ngũ, cán bộ được cử đi học. Từ khóa ba (năm 1978 trở đi), số lượng đảng viên, bộ đội giảm dần và số sinh viên đầu vào là học sinh tốt nghiệp cấp III tăng lên.
Về đội ngũ giảng viên: đội ngũ cán bộ của Khoa thời kì này được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau trong đó chủ yếu tuyển chọn từ sinh viên khá, giỏi của các khoa cơ bản và khoa chuyên Giáo dục chính trị, sau đó gửi đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao chuyên ngành Mác - Lênin ở trong và ngoài nước. Đến năm 1988, khoa đã có trên 70 cán bộ.
Thời kỳ 1988 - 2001, đào tạo phân ban.
Việc thay đổi hình thức đào tạo theo hướng phân ban của Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa Giáo dục Chính trị đã nhận được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo trường, Ban Khoa giáo TW, Bộ Giáo dục và sự nhất trí, đồng thuận của toàn thể giảng viên trong khoa; năm học 1988 - 1989 Khoa GDCT đã triển khai hình thức đào tạo phân ban.
Với hình thức này, mục tiêu, quy trình và phương thức đào tạo được thực hiện theo hướng đảm bảo rộng về phạm vi, sâu về chuyên ngành; đào tạo phân ban được thực hiện qua 2 giai đoạn: (1) Giai đoạn 1: Đào tạo 2 năm đầu nhằm trang bị cho sinh viên hệ thống kiến thức, phương pháp, kĩ năng cơ bản để có thể trở thành giáo viên Chính trị (sau là giáo viên Giáo dục Công dân) ở trường phổ thông. Kết thúc giai đoạn 1, sinh viên đi thực tập và giảng dạy ở các trường THPT; (2) Giai đoạn 2: Đào tạo chuyên ban 2 năm sau nhằm giúp cho sinh viên nắm được hệ thống kiến thức chuyên sâu theo chuyên ngành lựa chọn (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học) để tạo tiềm lực cho sinh viên có thể trở thành giảng viên các môn khoa học Mác - Lênin ở trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Kết thúc 3 kì của giai đoạn 2, sinh viên đi thực tập ở các trường cao đẳng sư phạm.
Với hình thức đào tạo này, hai chuyên ban đầu tiên ra đời là Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Sau khoa phân ban đầu tiên 1988 - 1992, Khoa đã mở thêm chuyên ban Kinh tế chính trị.
Trong thời kỳ từ 1993 - 2001, các hình thức đào tạo phi chính quy bắt đầu được mở rộng tại trường và các tỉnh trên toàn quốc.
Thời kỳ 2001–2006, đa dạng hóa các hình thức đào tạo của Khoa GDCT
Ở thời kì này, Khoa mở thêm chuyên ban Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời điều chỉnh lại quy trình đào tạo phân ban. Giai đoạn 1 - giai đoạn đào tạo cơ bản kéo dài thành 3 năm. Giai đoạn 2 - giai đoạn chuyên ban chỉ còn 1 năm. Với quy trình này, khoa nhằm đáp ứng được yêu cầu đào tạo giáo viên Giáo dục công dân cho trường THPT đồng thời vẫn đáp ứng được nguồn học viên cho việc đào tạo những chuyên ngành bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Năm 2003, Khoa đã mở thêm 3 mã ngành mới: cử nhân sư phạm triết học, cử nhân sư phạm kinh tế chính trị, cử nhân Công tác xã hội và mở hệ đào tạo cao học chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn giáo dục chính trị (năm 2007 mới tuyển sinh mã ngành cử nhân triết học). Mã ngành Công tác xã hội được đưa vào giảng dạy hệ đào tạo phi chính quy (ở 6 tỉnh, thành).
Thời kỳ 2006 – 2011, phát triển Khoa GDCT lên một tầm cao mới
Trong xu hướng hội nhập của đất nước, Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa tiếp tục mở thêm các mã ngành mới trong đào tạo cử nhân: Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân, Khoa đã mở thêm mã ngành đào tạo thạc sỹ Triết học. Đặc biệt, với tầm nhìn xa, Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa nhiệm kỳ này đã quyết định tạo ra một cơ hội đào tạo mới cho khoa - đào tạo theo chiều sâu - đào tạo tiến sĩ ngành Lý luận và phương pháp dạy học Giáo dục chính trị. Việc mở ra mã ngành đào tạo tiến sĩ cho Khoa Giáo dục Chính trị đã đưa vai trò và khẳng định vị thế của Khoa Giáo dục chính trị là một trong những khoa đầu ngành của cả nước về đào tạo giảng viên các môn lý luận chính trị và giáo viên môn Giáo dục công dân.
Tháng 5 năm 2011, để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Giáo dục Chính trị đã thực hiện nhiệm vụ chia tách thành 3 khoa: Khoa Giáo dục Chính trị, Khoa Triết học và Khoa Công tác Xã hội. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Khoa Giáo dục chính trị sau 35 năm xây dựng và phát triển.
Bộ môn Triết học của Khoa Giáo dục Chính trị là một trong những bộ môn ra đời đầu tiên của Khoa, do các Trưởng bộ môn Triết học PGS Trần Văn Nội, ThS. GVC Trần Đăng Ân, TS Vương Tất Đạt, PGS.TS Nguyễn Như Hải, PGS.TS Trần Đăng Sinh lãnh đạo qua các thời kỳ. Đây là một trong những bộ môn lớn của Khoa, Bộ môn đảm nhận giảng dạy rất nhiều môn. Ngoài việc dạy môn chung cho các khoa cơ bản, Bộ môn còn có riêng một mã ngành đào tạo cho sinh viên chính quy là chuyên ban triết học. Đặc biệt các giảng viên trong bộ môn Triết học còn tham gia đào tạo và giảng dạy sau đại học cho học viên cao học chuyên ngành Triết học. Với sự phát triển mạnh mẽ, cũng đã đến lúc, Bộ môn Triết học cần một môi trường rộng hơn để phát huy và tiếp tục thể hiện tài năng của mình nên bộ môn Triết học đã phát triển thành khoa Triết học do PGS.TS Trần Đăng Sinh làm trưởng khoa.
Bộ môn Công tác xã hội là một trong những bộ môn khá trẻ so với các bộ môn khác trong của Khoa Giáo dục chính trị nhưng lại là bộ môn có hướng tiếp cận mới, năng động và phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Thời đại ngày nay đang dành sự quan tâm đặc biệt tới con người, cuộc sống và chất lượng sống của con người cũng như các vấn đề liến quan đến xã hội - tạo dựng môi trường xã hội tốt nhất để con người có phát triển và thích nghi trong môi trường đó. Vì thế, các môn mà Bộ môn Công tác xã hội tập trung giảng dạy đều là những môn mới nhưng lại có tính thích ứng với thời đại cao như: Nhập môn Công tác xã hội, Công tác xã hội cá nhân, Công tác xã hội nhóm, Tổ chức và phát triển cộng đồng, Quản trị công tác xã hội, Tham vấn trong công tác xã hội, Chính sách xã hội, An sinh xã hội và các vấn đề xã hội, thực hành công tác xã hội - lý thuyết và vận dụng… Trên đà phát triển đó, Bộ môn Công tác xã hội từng bước bứt phá và vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong Khoa Giáo dục chính trị cũng như đối với trường và đối với ngành Công tác xã hội của Việt Nam.
3. Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân (2011 đến nay)
Trong xu hướng đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, với xu hướng giảm tải, tích hợp liên môn… ngành giáo dục công dân càng ngày càng nhận được sự quan tâm sâu sắc từ phía Nhà nước và xã hội. Trên đà phát triển đó, Khoa Giáo dục chính trị tiếp tục đổi mới và phát triển không ngừng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay (2011 - 2016), với sự đồng lòng, quyết tâm cao của Đảng uỷ, Ban Chủ nhiệm cùng với sự ủng hộ của cán bộ toàn khoa, đứng đầu là TS Đào Đức Doãn, Khoa Giáo dục Chính trị đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Để đáp ứng những đòi hỏi về thực tiễn giáo dục của đất nước, năm 2013 Đảng ủy, Ban chủ nhiệm Khoa Giáo dục chính trị đã có một quyết định quan trọng là đổi tên khoa Giáo dục chính trị thành Khoa Lý luận Chính trị - Giáo dục công dân (Quyết định số 3046/QĐ-ĐHSPHN, ngày 17/6/2013) nhằm hướng vào và mở rộng việc đào tạo ngành Giáo dục công dân.
Bên cạnh đó, Khoa LLCT - GDCD đã tiếp tục mở thêm: bộ môn Giáo dục pháp luật. Việc mở thêm bộ môn này là thể hiện tầm nhìn xa của Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa khi nắm bắt được xu hướng phát triển của thời đại. Trong khi cả thể giới đang nhấn mạnh đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền - một trong những trụ cột chính của thể chế đương đại thì người ta càng không thể không nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp luật và giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân của mình. Vì vậy, việc giáo dục pháp luật trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay chắc chắn là một xu hướng tất yếu trên con đường phát triển hướng tới việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền xây dựng xã hội công dân tự quản, hướng tới hình thành ý thức tự giác sống và làm việc theo pháp luật cho mọi người dân Việt Nam. Để phổ biến và nhân rộng việc giáo dục pháp luật cho tất cả công dân Việt Nam thì con đường ngắn nhất là đầu tư giáo dục ý thức pháp luật cho các thế hệ thầy cô tương lai của các trường sư phạm trên cả nước và điểm khởi đầu chắc chắn phải bắt đầu từ trường đại học Sư phạm Hà Nội - một trong những trường trọng điểm trong hệ thống các trường sư phạm của cả nước.
Như vậy, cho đến hiện nay, việc mở rộng thêm quy mô tổ chức, khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân có tất cả 6 tổ bộ môn và tổ văn phòng. Là: Tổ bộ môn Kinh tế chính trị, Tổ bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tổ bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổ bộ môn Giáo dục công dân, Tổ bộ môn Phương pháp dạy học, tổ bộ môn Giáo dục pháp luật và 1 tổ văn phòng. Tổng số cán bộ của khoa hiện nay là 41 người, trong đó có 06 Phó Giáo sư (PGS.TS. Phạm Văn Hùng, PGS.TS Nguyễn Văn Cư, PGS.TS. Nguyễn Như Hải, PGS.TS. Đào Thị Ngọc Minh, PGS.TS Trần Thị Mai Phương, PGS.TS. Đào Đức Doãn); 11 Tiến sĩ, 13 nghiên cứu sinh, 11 Thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên tiếp tục được nâng cao cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ (được đào tạo bài bản, chính quy tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế), trình độ lý luận, trình độ ngoại ngữ và thường xuyên tham gia báo cáo tại các hội thảo, hội nghị tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, Khoa còn trực tiếp liên hệ và phối hợp với Đại học Luật để mở lớp bồi dưỡng giáo dục pháp luật cho các giảng viên trong khoa hoặc gửi giảng viên tham gia các lớp tập huấn lồng ghép giới vào sách giáo khoa phổ thông…
Với quy mô ngày càng mở rộng của Khoa, với đội ngũ giảng viên có năng lực, có trí tuệ cao và được trang bị đầy đủ các kiến thức mới của thời đại, khắc sâu tri thức chuyên ngành đã tạo nên một lực lượng hùng hậu đông về mặt số lượng và được đảm bảo về mặt chất lượng luôn sẵn sàng đòn nhận những nhiệm vụ mới trong xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa. Vì vậy ngay từ khi đổi tên khoa, Đảng ủy, Ban chủ nhiệm khoa, đứng đầu là PGS. TS Đào Đức Doãn đã đưa mã ngành đào tạo giáo dục công dân của khoa lên một tầm cao mới, phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Với uy tín trong lĩnh vực đào tạo giáo dục công dân, Khoa LLCT - GDCD đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo tin tưởng giao cho một trọng trách là chủ trì “Hội thảo quốc gia về giáo dục đạo đức - công dân trong giáo dục phổ thông Việt Nam” diễn ra trong năm 2013”. Hội thảo tập trung vào nghiên cứu lý luận, thực tiễn giáo dục đạo đức – công dân ở trường phổ thông; công tác đào tạo giáo viên giáo dục công dân trong những năm đầu thế kỷ XXI; đề xuất định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học này ở các trường phổ thông Việt Nam trong thời gian tới, phục vụ việc đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật trong đào tạo cử nhân chính quy của Khoa thời kỳ này là mở được mã ngành mới: Sư phạm Kinh tế chính trị. Ngoài ra, Khoa cũng đã tuyển sinh được các lớp cao học đặt tại các tỉnh trên toàn quốc.