Những ai đã từng công tác ở Khoa Giáo dục chính trị (nay là Khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân), vào những thời khắc như những ngày, tháng này – chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Khoa thân yêu mà không khỏi xúc động, phấn chấn, xao xuyến lòng người. Bao ký ức, kỷ niệm, nỗi nhớ thương… một thời đối với Khoa lại ùa về, đầy ắp, nguyên vẹn và sẽ không bao giờ phai nhạt. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập trong phạm vi hẹp ở Bộ môn Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh, về một thời để nhớ và trân trọng.
Tiền thân là Tổ Chính trị được thành lập từ năm 1956, sau đổi tên thành Bộ môn Mác – Lênin năm 1967 và đến năm 1976 Khoa Giáo dục chính trị chính thức được thành lập. Cũng như các Bộ môn Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Bộ môn Lịch sử Đảng đã ra đời từ đấy, để đảm nhiệm giảng dạy cho sinh viên các khoa cơ bản trong toàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và giảng dạy chuyên sâu cho sinh viên ngành Giáo dục chính trị.
Từ buổi khai nền, đắp móng, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Bộ môn rất ít ỏi. Về sau đội ngũ được bổ sung từ nhiều nguồn: có những cán bộ từ nơi khác chuyển về, những người là sinh viên của Khoa được giữ lại, những người là sinh viên của các khoa cơ bản trong trường được tiếp nhận về, có những người gắn bó cả đời công tác của mình từ buổi đầu đến lúc nghỉ hưu…
Vào những năm đầu của thập kỷ 80, thế kỷ XX, đất nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội rất trầm trọng, khó khăn chồng chất khó khăn: kinh tế kiệt quệ, giá cả leo thang, lạm phát phi mã với ba con số, đời sống nhân dân gặp khó khăn đủ bề. Trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, đội ngũ cán bộ giảng dạy nói chung, trong Bộ môn nói riêng gặp không ít khó khăn trong đời sống, cơ sở vật chất để phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu thiếu thốn rất nhiều… Khó khăn, vất vả là thế nhưng đội ngũ cán bộ giảng dạy vẫn tràn đầy tâm huyết, ấm tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, thầy trò, đặc biệt vẫn gắn bó say đắm yêu nghề, vẫn luôn trăn trở với những ý tưởng, vượt khó đi lên với niềm kiêu hãnh. Thật đáng trân trọng biết bao, đội ngũ cán bộ giảng dạy một thời gian khó!
Năm 1986, Đảng khởi xướng đường lối đổi mới. Đường lối đó như luồng gió mát tạo ra luồng sinh khí mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Đất nước chuyển mình. Với ngành giáo dục, đổi mới như phép màu kỳ diệu đã thẩm thấu vào mỗi người, vào từng cuộc họp, từng tiết giảng, từng những trang viết… Điều kiện vật chất vẫn như cũ, đội ngũ giảng viên vẫn là những người thân quen…mà bây giờ dường như tất cả đã có gì khác lạ?.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chủ nhiệm Khoa Giáo dục chính trị, nhiều vấn đề đặt ra với Bộ môn Lịch sử Đảng: Môn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm gì để góp phần vào công cuộc đổi mới? Bộ môn phải đối mới như thế nào để đáp ứng với yêu cầu đổi mới?... Trên tinh thần cởi mở, dân chủ, những vấn đề được đặt ra đã làm nóng lên bầu không khí hồ hởi, phấn khởi ở những cuộc họp Bộ môn, những cuộc trao đổi chuyên môn, những cuộc hội thảo…
Nhằm đẩy mạnh công tác giảng dạy, ngày càng đi vào chiều sâu theo tinh thần đổi mới. Ban Chủ nhiệm Khoa Giáo dục chính trị đã thay đổi hình thức đào tạo theo hướng phân ban. Trên tinh thần đó, năm 1988, hai chuyên ban: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học được thành lập. Từ năm học 1988-1989 hai chuyên ban nói trên đã bắt đầu đi vào hoạt động. Sau nữa, chuyên ban Kinh tế chính trị cũng được thành lập vào năm 1992. Do điều kiện khách quan, chủ quan, nên chuyên ban Lịch sử Đảng đến năm 2000 mới ra đời. Từ năm học 2000 – 2001 được triển khai theo hình thức đào tạo chuyên ban. Kết qủa đào tạo khóa đầu tiên rất tốt đẹp. Điều đó đã khẳng định vị thế của Bộ môn trong Khoa Giáo dục chính trị trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đã động viên, khích lệ các thành viên trong Bộ môn trong giảng dạy và nghiên cứu. Mặt khác cũng đặt ra yêu cầu phải không ngừng bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình phù hợp trong quá trình đào tạo.
Có thể nói, đối với Bộ môn Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh khoảng thời gian nhiều ấn tượng nhất là những năm tháng trong thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Trong thời kỳ mới, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ hai khóa VIII của Đảng “ coi giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với ngành giáo dục. Vì thế trong công tác giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học cũng có nhiều thay đổi…
Về phía Bộ môn, khoảng thời gian nói trên có nhiều biến động mà trước hết là vấn đề nhân lực: Số cán bộ giảng dạy lâu năm, nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu, số người mới tiếp nhận về đều là sinh viên mới ra trường nên phải trải qua thời gian tập sự chuyên môn, hơn nữa phải dành thời gian theo học cao học, nuôi con nhỏ… Sự biến động trên đã đưa đến không ít khó khăn cho Bộ môn, làm phát sinh nhiều vấn đề mới khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu của trường, khoa giao cho. Trong lúc yêu cầu của Bộ giáo dục và Đào tạo đặt ra ngày càng cao đối với việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhận thức tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, với cương vị là Trưởng Bộ môn, tôi luôn suy nghĩ, trăn trở để tìm kiếm ra hình thức, bước đi, biện pháp… phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới. Những vấn đề đó, tôi đã đưa ra Bộ môn trao đổi, bàn bạc trên tinh thần cởi mở, dân chủ để đi đến đồng thuận và triển khai thực hiện. Vì thế, trong khoảng thời gian nói trên các thành viên trong Bộ môn đã đồng tâm nhất trí, chung lưng đấu cật, quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc khối lượng công việc khá nhiều mà ở nhiều trường đại học là công việc của hai Bộ môn (Bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh). Đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn
cho sinh viên hệ đào tạo chính quy và học viên hệ đào tạo không chính quy (tại chức, từ xa, liên thông, văn bằng 2) ngành Giáo dục chính trị; một số học phần cho học viên cao học nghành Lý luận và phương pháp dạy học giáo dục chính trị ở Khoa Giáo dục chính trị; một số môn cho sinh viên các khoa cơ bản hệ đào tạo chính quy và học viên hệ đào tạo không chính quy (tại chức, từ xa, liên thông, văn bằng 2) trong toàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong quá trình giảng dạy cho các hệ và các đối tượng như đã nêu trên cũng là khoảng thời gian Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều quyết định liên quan đến công tác giảng dạy. Năm 2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định về việc triển khai học tập môn Tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm học 2002 – 2003. Trên tinh thần đó ở nhiều trường đại học đã thành lập Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không thành lập riêng Bộ môn nói trên mà gộp vào Bộ môn Lịch sử Đảng. Vì thế, từ năm 2002 Bộ môn Lịch sử Đảng được đổi tên thành Bộ môn Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là vinh dự lớn đối với Bộ môn, bởi lẽ được đảm nhiệm giảng dạy hai trên ba môn Khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (Những Nguyên lý cơ bản Chủ nghĩa Mác - Lênin; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh), đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề đối với Bộ môn chúng tôi. Năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản “Đề cương chi tiết học phần môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, môn Tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng giảm tải. Từ thời gian này trở đi, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn ban hành nhiều quyết định như: đào tạo theo hình thức tín chỉ, đổi môn học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam thành môn học Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Sự đổi mới trong công tác giảng dạy của Bộ Giáo dục và Đào tạo như đã nêu trên, hơn nữa khi các hệ đào tạo chính quy và không chính quy ngày càng được mở rộng trong và ngoài Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điều đó dẫn đến số sinh viên, học viên tăng đột biến kéo theo lớp học ngày càng nhiều, trong khi số lượng cán bộ đảm nhiệm giảng dạy được các môn học nói trên trong Bộ môn còn lại không nhiều, nhưng hằng năm chúng tôi phải giảng dạy tới hơn 100 lớp. Khó khăn thử thách lớn nhất trong giảng dạy của chúng tôi chính là vào thời gian này. Nhưng với sự quyết tâm cao, tràn đầy nhiệt huyết, tình yêu nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ giảng dạy và sự quản lý, điều hành của người đứng đầu Bộ môn, nên chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy – nhiệm vụ trung tâm của nhà trường giao cho.
Bên cạnh công tác giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học, Bộ môn cũng hoạt động tích cực và thu được những kết quả đáng khích lệ. Bộ môn thường xuyên rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình các môn học. Viết nhiều tập hướng dẫn giảng dạy các môn học do Bộ môn đảm nhiệm, đóng góp ý kiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn giáo trình môn học mới. Hàng chục bài tham luận ở các cuộc hội thảo các cấp, trên 100 bài báo đăng trong các tạp chí nghiên cứu chuyên ngành, chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp trường, tham gia nhánh đề tài cấp bộ…
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, Bộ môn đã tiếp nhận, dẫn dắt xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ có chí tiến thủ, năng lực giảng dạy và nghiên cứu tốt. Hiện nay, 100% đội ngũ cán bộ giảng dạy của Bộ môn đều là tiến sỹ, họ đang đảm nhiệm công tác giảng dạy và nghiên cứu của trường, khoa giao cho.
Thập kỷ đầy ấn tượng – thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, thông qua những hoạt động tích cực, hiệu quả, uy tín và vị thế của Bộ môn trong cộng đồng khoa, trường và cộng đồng xã hội được giữ vững, củng cố và từng bước nâng lên tầm cao mới. Bởi đội ngũ cán bộ của Bộ môn đã vượt qua những năm tháng khó khăn, vất vả trước nhiều biến động trong khoảng thời gian này, bởi sự tỏa sáng của những tấm gương vượt khó một thời của lớp người đi trước. Ngày nay, Bộ môn đang viết tiếp những trang sử mới, bằng sự hăng hái, nỗ lực, vượt lên mạnh mẽ của đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ giàu tiềm năng, triển vọng. Đó là nguồn lực quý giá và cũng là thế mạnh của Bộ môn hôm nay, thế mạnh lại được nhân lên gấp bội từ sự vươn lên mạnh mẽ vượt qua những năm tháng gian nan, vất vả, nhưng rất đỗi tự hào của ngày hôm qua mà hôm nay đang được phát huy cao độ.
Về riêng tôi, người gắn bó mật thiết với Bộ môn và Khoa từ năm 1996 cho đến cuối năm 2008 tôi nghỉ chế độ hưu trí. Đây là chặng đường cuối cùng trong suốt quá trình công tác của tôi bắt đầu từ năm 1966 gia nhập quân đội, rồi giảng viên đại học, giảng viên trong hệ thống Trường Đảng trước khi về Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong 12 năm, trong đó có hơn 6 năm cuối cùng vừa giảng dạy vừa làm quản lý, tôi đã nhận thức được biết bao điều bổ ích. Tôi nhớ và trân trọng, đã nhận được bao nhiêu ân nghĩa từ các anh, Phạm Văn Hùng, Vũ Hồng Tiến, Nguyễn Văn Cư, Lê Văn Đoán, , Trần Đăng Sinh, bạn Vũ Thị Kim Dung, em Nguyễn Duy Nhiên, các anh Nguyễn Như Hải, Đào Đức Doãn,… Tôi nhớ và trân trọng các bậc đàn anh Nguyễn Tân Dân, Nguyễn Văn Đảng, Đỗ Quang Ân– những người đã đóng góp nhiều công sức giảng dạy xây dựng Bộ môn; tôi nhớ và trân trọng các bạn Đoàn Thị Lịch, Lê Thị Ninh, Nguyễn Đức Thìn – những người đã gắn bó keo sơn, đồng tâm hiệp lực, ấm tình đồng chí, đồng nghiệp cùng Bộ môn vượt qua khó khăn, vất vả trong khoảng thời gian đầy biến động; tôi nhớ và trân trọng các em Trần Thanh Hương, Trịnh Hương Giang, Dương Văn Khoa, Nguyễn Thị Thanh Tùng, Phan Thị Lệ Dung, Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hoàng Thị Thuận – những người đã góp phần công sức của mình cùng lớp người đi trước vượt qua những khó khăn thời gian nói trên; hôm nay, các em, đứng đầu là Trưởng Bộ môn Dương Văn Khoa đang đảm nhiệm trọng trách lớn trong giảng dạy và nghiên cứu, đẩy mạnh sự phát triển của Bộ môn; tôi cũng nhớ và trân trọng các bậc đàn anh, đàn chị, các bạn, các em ở các Bộ môn khác và Tổ Văn phòng đã cộng tác chân tình với Bộ môn chúng tôi; tôi cũng nhớ và trân trọng đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ trong Khoa, đứng đầu là Chủ nhiệm Khoa Phạm Việt Thắng đã, đang phát huy cao độ những thành tựu của Khoa ngày hôm qua, cùng đội ngũ cán bộ toàn Khoa vững bước tiến lên ngày càng giành được nhiều thắng lợi mới. Tôi không thể kể hết tên từng người trong Khoa, nhưng trong tôi, những dáng hình, gương mặt, ánh mắt, nụ cười… thì không thể nào quên. Trong cuộc hành trình của Bộ môn, của Khoa 45 năm qua, nhớ về một thời khó khăn vất vả nhưng rất đỗi tự hào, mừng vui trước sự phát triển lớn mạnh hôm nay; song cũng sâu lắng với những nỗi buồn đau, thương tiếc những người đã khuất – họ đã cống hiến nhiều công sức cho Bộ môn và cho Khoa một thời. Âu cũng là quy luật của tạo hóa, cầu chúc cho các anh, các chị, các bạn được thanh thản, siêu thoát, phù hộ độ trì cho Bộ môn, cho Khoa mọi sự an lành, gặp nhiều may mắn, không ngừng phát triển.
Nhớ về Bộ môn, về Khoa, trong tôi là cả niềm kính yêu, niềm tự hào về quá khứ hào hùng, sự vươn lên mạnh mẽ trong hiện tại sống động và tin tưởng vào tương lai huy hoàng.
|
Hà Nội, Tháng 10 năm 2021
TS Ngô Văn Khoa
(Nguyên Trưởng Bộ môn Lịch sử Đảng – Tư tưởng Hồ Chí Minh)
|