LÍ LUẬN CHÍNH TRỊ - GIÁO DỤC CÔNG DÂN – NƠI TÔI THUỘC VỀ
Lại một mùa thu đến, cây cối bắt đầu thay lá, khoác lên mình là một màu vàng rực rỡ, chỉ có màu vàng của mùa thu mới sóng sánh như mật ong, mới đậm nét và tươi tắn đến vậy. Thu như giấc mơ dịu dàng, gió quấn quít, vấn vương. Gió thu khiến người ta có cảm xúc rất lạ! Cảm xúc càng khó diễn tả khi chúng tôi đang sống trong những ngày hội chuẩn bị kỉ niệm 45 năm thành lập khoa Lý luận Chính trị - Giáo dục Công dân.
Trong buổi tối mùa thu, thoang thoảng đâu đây mùi hoa sữa, tôi chợt nghĩ về cái tuổi 18 đầy mộng ước và nhiệt huyết thanh xuân, nghĩ về con đường mình đã chọn, nghĩ về nơi đã và đang ấp ủ những ước mơ của tôi - Khoa Lí luận Chính trị - Giáo dục Công dân của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bao kỷ niệm thân thương ùa về rõ nét trong tâm trí tôi, như những thước phim tự sự về tình cảm sâu lắng tôi trao gửi nơi đây.
Tôi mỉm cười thật nhẹ, mỉm cười vì sự lựa chọn của mình. Vì sao ư? Vì cách tôi đến với khoa có lẽ cũng đặc biệt. Tôi không bắt đầu với nó bằng tình yêu hay đam mê như bao bạn khác, không bắt đầu bởi định hướng gia đình và phải chăng là duyên số, là định mệnh. Là một cô học trò lớp văn, mang theo cái say mê với những vần thơ, câu văn đầy êm dịu, tôi ước mơ trở thành một giáo viên dạy Văn như thầy giáo chủ nhiệm lớp 12 và chưa từng nghĩ mình sẽ đi theo con đường “giảng dạy lí luận chính trị” như hiện tại. Nhưng trong kì thi đại học năm đó, ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn của tôi đã không thành hiện thực. Và rồi khi đi ôn thi đại học lần 2, thật tình cờ tôi ở cùng xóm trọ với một chị là sinh viên K52 của khoa Giáo dục Chính trị - trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi nghe chị nói về các môn học, về tương lai nghề nghiệp, tôi đã tò mò và có phần thích thú, năm đó tôi đã tự quyết định lựa chọn khoa Giáo dục Chính trị (Nay là Khoa LLCT – GDCD) trường Đại học Sư phạm sẽ là nơi mà tôi muốn gắn bó thời thanh xuân của mình. Tôi bắt đầu cái “duyên” với khoa như thế đấy! Trở thành sinh viên K54 của ngành Giáo dục Chính trị đó là một sự sắp đặt đầy huyền diệu của “định mệnh”.
Và có lẽ tôi đã may mắn, đã có sự lựa chọn con đường đúng đắn, vì tôi đã tìm thấy ở đây một con người khác của mình, đó là một cô gái biết say mê với các nhà triết gia, với những tác phẩm kinh điển dày cộp, với những luận điểm khoa học chuyên ngành khó hiểu, với những lí luận được ví là vừa “khô”, vừa “khó”...
Mấy ai đi suốt cuộc đời mình mà không có người thầy, người cô dẫn lối. Và mỗi thầy giáo, cô giáo chính là người lái đò thầm lặng, những người tận tụy hết lòng với nghề, với học trò của mình, người mang đến nguồn tri thức như ngọn hải đăng sáng soi dẫn lối từng bước đường ta đi. Cảm nhận đầu tiên của tôi về Thầy Cô khoa GDCT thời đó, là ở Thầy Cô có một tình yêu vô bờ bến dành cho những học trò của mình, bên thầy Cô những học trò nhỏ ngoại tỉnh như chúng tôi cảm thấy được che chở, được yêu thương, được khích lệ, được quan tâm như có cha mẹ bên cạnh mình vậy.
Tôi thấy trong mỗi bài giảng của Thầy Cô không chỉ là trí tuệ, không chỉ là thông tin, kiến thức, mà ở đó là gan ruột, là nỗi lòng, là sự truyền cảm hứng, truyền năng lượng tích cực tới chúng tôi.
Tôi nhớ mãi những tiết giảng của PGS.TS Phạm Văn Hùng, Thầy giảng bài thật say sưa, nhiệt huyết và chúng tôi nghe Thầy không khác như những “con chiên” ngoan đạo. Thầy của chúng tôi thật phong độ, thời đó chúng tôi nói đùa với nhau là lớp phải thành lập một câu lạc bộ là fan của Thầy. Và chắc hẳn lớp tôi cũng sẽ không có bạn nào quên những tiết học đầy vui vẻ của Thầy, nhớ những lần Thầy cho lớp tiền để mua sữa chua ăn giờ nghỉ giải lao, để chúng tôi có thể bổ sung thêm năng lượng cho buổi học.
Tôi nhớ đến Thầy PGS.TS Nguyễn Văn Cư, đã lên lớp là thầy sống hết mình, “phiêu” với bài dạy, ngôn ngữ của thầy không chỉ là ngôn ngữ của lời nói mà còn là ngôn ngữ của cử chỉ, hành động điệu bộ. Từ những tiết giảng của Thầy đầy cảm hứng với những bài học cuộc sống được rút ra trong bài giảng và thực tế.
Tôi nhớ những bài giảng đầy kiến thức uyên thâm, chúng tôi được quay về với bối cảnh lịch sử đầy sinh động qua lời giảng của Thầy. Chúng tôi thường ví Thầy là “pho sử sống”- đó chính là TS. Nguyễn Văn Long – trưởng bộ môn CNXHKH.
Tôi nhớ thầy giáo chủ nhiệm đồng hành với chúng tôi thời đại học, nhà giáo Đinh Văn Đức, nhớ mãi những lần Thầy mắng lớp vì tội lười học, và sau những “trận mắng nhớ đời đó” chúng tôi nhận thấy là tình cảm vô bờ bến của một người cha dành cho những đứa con của mình. Thầy tôi nghiêm khắc là vậy nhưng lại vô cùng hài hước, tôi nhớ câu nói bất hủ của Thầy thời đó đó là “Tình yêu sinh viên như con cào cào/ Sau cơn mưa rào con nào lại về nhà con đó”.
Tôi nhớ tiếng nói thân thương, truyền cảm của cô giáo Phương Thủy, khi chúng tôi vào phân ban, thì Cô đã trở thành một người mẹ vĩ đại của chúng tôi. Nhớ Cô đã lao tâm khổ tứ với chúng tôi trong kì đi thực tập, nhớ những lời căn dặn như của người Mẹ dành cho những cô con gái của mình khi đi xa nhà.
Và Tôi nhớ, nhớ rất nhiều nhiều Thầy Cô nhưng tôi không thể nhắc hết được ở đây.
So với bạn bè cùng trang lứa, có lẽ tôi may mắn hơn khi tôi được giữ lại ở khoa, để có thể tiếp tục học tập và phấn đấu, được trở thành đồng nghiệp với những thầy cô đáng kính. Và vô hình chung cảm giác may mắn ấy khiến tôi có trách nhiệm hơn với công việc, với tập thể và với những gì mình được nhận.
Khi còn ngồi ở giảng đường đại học, tôi từng nghe thầy giáo chia sẻ: “Tìm cho mình một công việc phù hợp là ước muốn của nhiều người, nhưng tìm cho mình một môi trường làm việc tốt với những đồng nghiệp biết san sẻ, đùm bọc nhau lại mới là điều quan trọng”. Qua thời gian làm việc trong ngôi nhà chung LLCT - GDCD tôi lại càng hiểu sâu sắc hơn về điều đó.
Có lẽ không ở đâu, mà cán bộ trẻ lại được Ban chủ nhiệm khoa, được các Thầy cô lớn tuổi tạo điều kiện để phát triển như ở nơi đây. Tôi nhớ khi ở lại, những cán bộ trẻ chúng tôi đã được các Thầy Cô mà đứng đầu khoa lúc đó là PGS. TS. Nguyễn Văn Cư lo như cha mẹ ở quê nhà. Tôi vẫn nhớ Thầy Trưởng Khoa là Thầy Nguyễn Văn Cư và Thầy trưởng bộ môn của tôi là Thầy Nguyễn Văn Long đã từng thúc giục cán bộ trẻ nói chung và tôi nói riêng “lập gia đình thôi con”, “sinh con thôi con”, “đi làm nghiên cứu sinh đi con”, có lẽ chỉ có duy nhất ở đây mới có những nhà lãnh đạo như vậy mà thôi! Với tâm niệm “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Thầy tốt mới dạy trò ngoan”, Ban chủ nhiệm Khoa đã luôn tạo điều kiện để giảng viên trẻ như chúng tôi được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Chính từ sự động viên, tạo điều kiện đó của mà giờ đây chúng tôi - những cán bộ trẻ của hơn 10 năm trước giờ đa phần đã là Tiến sỹ, giảng viên chính rồi, và đã bước đầu có tiếng tăm ban đầu trong giới học thuật.
Sau 12 năm công tác, qua nhiều thời của các trưởng khoa khác nhau, nhưng tôi thấy có lẽ không ở đâu mà cán bộ quản lý Khoa tôi lại luôn biết lắng nghe, giải quyết mọi việc trên tinh thần dân chủ, trên tinh thần bảo vệ lợi ích cho mọi người, luôn đặt sự phát triển của Khoa lên hàng đầu. Bên cạnh đó còn luôn công tâm, sẵn sàng chia sẻ với những với những khó khăn của đồng nghiệp, của sinh viên.
Mỗi người ở khoa chúng tôi mang mỗi nét, mỗi tính riêng của cá nhân, nhưng lại mang cái chung rất gần của LLCT - GDCD và khi ngồi bên nhau để kể chuyện, để lắng nghe, để chia sẻ…để đồng cảm về công việc, về gia đình và về những bộn bề lo toan thì tất cả là sự cảm thông, sự chia sẻ. Đồng nghiệp ở quanh tôi là những người thầy, người bạn tốt, người mà tôi có thể tin tưởng để nghe lời khuyên, sẻ chia cùng nhau những nỗi buồn, cổ vũ khi tôi không tự tin, bỏ qua những lỗi lầm mà tôi mắc phải và giúp đỡ tôi một cách chân thành, không đòi hỏi hay toan tính. Và tôi may mắn khi có được những người đồng nghiệp như thế.
Chính môi trường và tình cảm dành cho nhau như vậy mà truyền thống uống nước nhớ nguồn của khoa luôn được giữ gìn. Hằng năm, khoa thường tổ chức những buổi tiệc gặp mặt cán bộ hưu trí. Qua những sự kiện như vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, Thầy cô cao tuổi không chỉ trở thành chỗ dựa như người cha người mẹ của chúng tôi, giúp chúng tôi tiến lên từng bước cả về chuyên môn và nghiệp vụ mà còn thực sự khơi dậy được tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, giảng viên trẻ, thôi thúc chúng tôi tiếp tục cố gắng, nỗ lực và đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và để không phụ lòng thế hệ thầy cô đi trước. Với việc làm thường niên tưởng như nhỏ bé này thôi, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã củng cố, giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp, góp phần xây dựng sự đoàn kết, sự gắn bó chặt chẽ giữa các thế hệ cán bộ, giảng viên trong khoa.
Với tôi, mỗi ngày đến khoa là một ngày giúp tôi trưởng thành cả trong nghề nghiệp lẫn trong cuộc sống. 18 năm học tập, làm việc, cống hiến và gắn bó, ngoài tổ ấm nơi tôi trở về mỗi tối, thì tôi còn có một tổ ấm rộng lớn hơn, một mái nhà có nhiều anh chị em yêu thương nhau hơn, một ngôi nhà ấm áp, chan hòa, tình yêu thương, trìu mến đó chính là khoa LLCT – GDCD. Mừng Khoa thêm tuổi mới, tôi và các đồng nghiệp sẽ đoàn kết đồng lòng để cùng xây dựng Khoa ngày một phát triển hơn.
Nguyễn Lệ Thu - Bộ môn CNXKH