Uyliam Batơ Dit đã từng nói: "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”. Với dạy học nói chung và dạy học GDCD nói riêng, điều này lại càng quan trọng bởi mục tiêu của môn học là hướng tới việc hình thành nhân cách cho học sinh. Không những thế, việc khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn còn đặt ra một yêu cầu đối với người thầy trong cách thức tổ chức dạy học, đó là: Làm thế nào để tổ chức hoạt động dạy học mà khơi dậy được hứng thú, tính chủ động, tích cực của học sinh?
Bên cạnh đó, chương trình Giáo dục phổ thông mới cũng tập trung vào hoạt động học tập của học sinh, khuyến khích tính tích cực, tự giác của học sinh. Chính bởi vậy, điều này đòi hỏi sự đổi mới trong phương pháp dạy học của giáo viên, thay đổi lối truyền thụ kiến thức một chiều, thụ động sang cách thức học tập tương tác.
Để đáp ứng yêu cầu này, tổ Phương pháp dạy học, Khoa LLCT - GDCD long trọng tổ chức Xêmina: “Phát triển kĩ năng tổ chức hoạt động dạy học môn GDCD cho sinh viên khoa LLCT – GDCD đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới” nhằm trao đổi, thảo luận về cách thức tổ chức dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Xêmina thu hút sự quan tâm của các thầy/cô và các em sinh viên đặc biệt là sinh viên chuyên ngành Giáo dục công dân.
Thầy giáo PGS.TS Nguyễn Như Hải đã có bài báo cáo đầu tiên với tiêu đề : “Tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong điều kiện 4.0”. Trong đó, thầy nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ thông tin với quá trình dạy học hiện nay. Những phần mềm tiện ích đang góp phần làm cho quá trình làm việc nhanh chóng, thuận tiện. Bài giảng của giáo viên nhờ đó thêm sinh động, phong phú và hấp dẫn hơn, tạo được nhiều hứng thú cho học sinh. Giáo viên cần tận dụng những thuận lợi này vào việc nâng cao năng lực tự học cho học sinh.
Trong phần tiếp theo, cô giáo Th.s Dương T. Thúy Nga trình bày báo cáo với tiêu đề: “ Thiết kế và tổ chức hoạt động học trong dạy học môn GDCD”. Trong đó, cô phân tích và làm rõ 4 vấn đề: căn cứ pháp lý, quy trình xây dựng bài học, thiết kế chuỗi hoạt động học, tổ chức hoạt động học. Cô cũng làm rõ sự khác biệt về cách thức tổ chức hoạt động dạy học hiện nay so với cách thức tổ chức dạy học trước đây. Không những thế, cô còn phân tích kĩ càng về cách thức đánh giá hoạt động học của học sinh.
Không khí buổi Xêmina càng hào hứng, sôi nổi khi bước sang phiên trao đổi, thảo luận. Có nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến hoạt động học của học sinh như: Làm thế nào để kích thích tính tự giác, chủ động của học sinh khi ở một vài trường, học sinh còn thụ động, ý thức học tập chưa cao?; Làm thế nào để đánh giá được hiệu quả của một giờ giảng?; Kết cấu ở từng hoạt động học như thế nào là hợp lý, khoa học?...
Buổi Xêmina đã kết thúc trong không khí hào hứng của các bạn sinh viên vì đã thu được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho nghề nghiệp trong tương lai.
Người đưa tin: ThS. Lưu Thị Thu Hà